2020 sẽ là một năm đột phá của công nghệ chống nước trên điện thoại

23/01/2021 1399 KT

Mục lục

    Rất có thể năm sau - 2020 sẽ xuất hiện những mẫu điện thoại mới được loại bỏ các nút bấm vật lý như nguồn và âm lượng. Thay vào đó sẽ là các phím ảo sử dụng cảm biến siêu âm.

    Thay thế phím bấm vật lý, tại sao không?

    Lợi ích lớn lao nhất của việc này chính là khả năng chống nước trên điện thoại sẽ được đẩy lên một tầm cao mới, kéo theo đó là độ bền của thiết bị sẽ còn tốt hơn nữa. Ít nhất sẽ là như vậy, dựa trên tham vọng của một startup mang tên UltraSense.

    Xét về tình trạng sử dụng điện thoại hiện nay, mỗi khi tắt mở nguồn hoặc tăng giảm âm lượng, người dùng phải dùng một phím bấm vật lý. Tất nhiên, phím bấm này sẽ hao mòn và hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, điều này sẽ hoàn toàn được giải quyết với sản phẩm đầu tiên của UltraSense. Đó sẽ là một con chip siêu nhỏ, nó có kích thước chỉ 1.4 x 2.4 x 0.5mm. Con chip có khả năng tạo ra một luồng sóng âm thanh mà tai người không thể nghe được.

    kích thước cảm biến ultrasense so với đồng xu

    Cảm biến có tên TouchPoint - sẽ được ra mắt tại CES vào tháng tới, có thể phát hiện ra được hành động nhấn phím của người dùng thông qua phân tích luồng sóng âm trên. Ngoài ra, nó còn có khả năng nhận biết đâu là hành động của người dùng, đâu là sự tác động của các vật thể khác như: bị nước bắn lên hoặc các vật thể khác vô tình chạm vào.

    Hiện có năm công ty sản xuất điện thoại hàng đầu đang đánh giá và triển khai sử dụng cảm biến TouchPoint. Nhiều khả năng những thiết bị sử dụng công nghệ mới này sẽ ra mắt vào khoảng giữa năm 2020. Lý do TouchPoint được các nhà sản xuất điện thoại lưu tâm là bởi vì nó sẽ giúp cho họ không phải khoét những lỗ trên điện thoại để nhét vào các phím bấm vật lý nữa. Họ cũng sẽ không phải dùng những miếng đệm để chống nước thấm vào bên trong điện thoại nữa. Kế đến phải kể đến chi phí của cảm biến UltraSense cũng tương đương với các phím bấm vật lý, nó rơi vào khoảng tầm 2$.

    nút nguồn của pixel 4 có khả năng trở thành lịch sử

    Vẫn chưa thể khẳng định rằng cảm biến UltraSense này sẽ được áp dụng trên các dòng flagship hay là phân khúc tầm trung (nơi thường được thử nghiệm công nghệ của các nhà sản xuất). Người tiêu dùng thích các nút bấm vật lý hơn bởi sự phản hồi thực tế của nó, nhưng đôi khi những lợi ích về chi phí, độ bền, chống nước lại lấn át đi điều đó. Sẽ không có gì hoàn toàn bất ngờ nếu công nghệ cảm biến này phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

    Những thành phần vật lý đang dần biến mất

    Đã có nhiều thiết bị chứng minh cho việc các phím bấm vật lý đang dần biến mất, có thể kể đến chiếc iPod thế hệ đầu của Apple. Thời điểm đầu tiên, iPod có một bánh xe xoay nhưng ở các thế hệ kế tiếp nó được thay thế bằng một cảm ứng có thể nhận biết khi nào người dùng đang thao tác. Gần đây nhất là sự biến mất của nút Home trên iPhone và trên cả máy tính bảng iPad, nó đưa xu hướng điều khiển thông qua cử chỉ vuốt, chạm lên ngôi.

    Những ổ cứng cùng với đĩa xoay cũng đang dần biến mất khỏi các thiết bị máy tính, thay vào đó là ổ cứng thể rắn. Như việc BlackBerry từng thống trị thị trường di động bằng bàn phím QWERTY cũng không thể thoát khỏi vòng xoay của thời đại.

    blackberry z30

    Chìa khóa để dẫn đến thành công của UltraSense sẽ là giải pháp của họ tái hiện lại được bao nhiêu phần của những thứ đã quá quen thuộc với người dùng như phím bấm âm lượng, nguồn và rằng cảm nhận của người dùng khi sử dụng công nghệ mới này. 

    Đại diện của UltraSense cho biết rằng phần khung của điện thoại có thể được chạm khắc để người dùng dễ xác định được vị trí cảm biến. Và nó sẽ có các động cơ rung phản hồi cảm ứng để thông báo cho người dùng nút bấm ảo đã hoạt động hiệu quả. Cảm biến cũng chỉ cần một dòng điện rất nhỏ để hoạt động - chỉ khoảng 20mA, điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thời lượng hoạt động của điện thoại.

    Không chỉ ứng dụng trên điện thoại

    UltraSense sẽ khởi đầu chiến dịch của họ với thiết bị điện thoại nhưng họ sẽ sớm bắt đầu với những đồ điện tử gia dụng khác vào năm 2021. Những cảm biến này hoạt động hoàn toàn thoải mái với các vật liệu khác nhau như: kim loại, gỗ, nhựa, da,... và nó cũng hoạt động được trên các bề mặt có độ dày khá đáng kể.

    ultrasense sẽ ứng dụng trên xe hơi

    Điểm đến tiếp theo sau đó của UltraSense sẽ là xe hơi và trên các thiết bị y tế. Đơn giản là không ai thích bụi bặm, vi khuẩn bám trên các nút vặn xoay cả khó lau chùi đó cả. Chưa dừng ở đó, UltraSense không giấu tham vọng sử dụng cảm biến của họ trên nhiều thiết bị khác nữa.