Công nghệ quét mống mắt có gì ưu việt?
Dù chục năm trước chưa ai biết tới, công nghệ quét mống mắt đã được đưa vào hàng loạt thước phim hành động Mỹ. May mắn thay, công nghệ tuyệt vời ấy không những đã trở thành sự thật, mà còn đang dần được áp dụng vào vô vàn trang thiết bị tân tiến ngày nay - một phần cho thấy khoa học công nghệ vẫn không ngừng phát triển, phần khác chứng minh rằng James Bond không hề sở hữu toàn mấy thứ giả tưởng.
1. Công nghệ quét mống mắt là gì?
Trước khi đi vào tìm hiểu công nghệ quét mống mắt, có một số điều thú vị về con mắt chúng ta mà bạn sẽ muốn biết. Đầu tiên đó là việc hai mắt người có thể có hai màu khác nhau. Thứ hai, màu nâu là màu mắt phổ biến nhất. Ngược lại, màu xanh lá, hổ phách và màu bạc là ba màu hiếm nhất.
Mống mắt là phần mắt có vẻ ngoài rất đẹp nằm bên trong mắt (thường được gọi là “tròng đen” (dù nó có thể có nhiều màu), đó chính là phần xác định màu mắt của mỗi người. Nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy những đường sóng uốn lượn, có phần rối rắm lan tỏa từ rìa, kéo dài tới trung tâm mắt. Những đường sóng ấy tạo thành một cấu trúc riêng biệt - đó chính là thứ mà công nghệ quét mống mắt dựa vào để phân biệt người này với người khác.
Những đường vân trong mống mắt hình thành một cách ngẫu nhiên và không thay đổi theo thời gian. Tương tự vân tay, mống mắt mỗi người là độc nhất – đồng nghĩa với việc nó có thể trở thành một lớp bảo mật vô cùng hiệu quả. Thậm chí, mắt trái và mắt phải của bạn cũng có hai mống mắt khác nhau.
Nhận diện mống mắt, hay còn gọi là quét mống mắt (Iris Recognition hay Iris Scanner) là dạng công nghệ bảo mật sinh trắc áp dụng thuật toán nhận diện để xác thực một người nào đó dựa trên cấu trúc mống mắt của họ.
Công nghệ này hiện đang được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới trong việc nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, nhân khẩu. Quét mống mắt đột nhiên lại trở lên “nóng” hơn bao giờ hết trong năm nay khi một vài nhà sản xuất điện thoại đã cho nó đảm nhận công việc bảo mật đối với thiết bị di động.
2. Cơ chế hoạt động của công nghệ quét mống mắt
Hệ thống quét mống mắt sẽ không chỉ chụp một bức ảnh của mống mắt rồi so sánh với những dữ liệu nó đã có. Thực tế, quá trình này bắt đầu bằng một tia hồng ngoại chiếu vào mắt. Loại ánh sáng vô hình kể trên hoạt động tốt hơn ánh sáng thường, bởi nó có thể phân tích và “quan sát” cấu trúc mống mắt rõ ràng hơn nhiều, thậm chí nó còn cho phép công nghệ quét mống mắt dễ dàng hoạt động trong điều kiện thiếu sáng, kể cả kính mắt hay kính áp tròng cũng không chặn được tia hồng ngoại.
Sau khi lưu được hình ảnh mống mắt vào hệ thống, phần mềm phân tích sẽ dịch những đường vân trên mống mắt người dùng thành những đoạn mã, được sử dụng như một chiếc chìa khóa để mở thiết bị.
Công việt thu thập dữ liệu mống mắt hoàn toàn do một camera riêng biệt thực hiện, chức năng quét mống mắt không hề được tích hợp vào camera trước, vì camera có sẵn không phù hợp cho công việc đặc biệt này. Đối với các camera truyền thống, ánh sáng hồng ngoại được lọc bỏ bởi nó ảnh hưởng tới chất lượng ảnh chụp. Hơn nữa, camera quét mắt có một góc nhìn hẹp hơn để có thể “quan sát” mắt người sử dụng một cách dễ dàng hơn, nhất là khi camera quét được đặt ở khá xa mắt.
3. Công nghệ quét mống mắt liệu có ảnh hưởng đến thị lực người dùng?
Nhiều người lo lắng rằng việc mắt được quét thường xuyên sẽ không tốt cho thị lực, khi mà mỗi lần quét hiển nhiên sẽ bao gồm việc chiếu tia sáng liên tục vào mắt. Thực tế khi phải đối diện với ánh sáng quá chói chang, mắt ta sẽ điều tiết để võng mạc ít bị ảnh hưởng, nhưng bởi những tia hồng ngoại phát ra đều gần như vô hình, việc điều tiết của mắt sẽ không diễn ra. Nếu sử dụng đúng cách, bạn sẽ chẳng lo phải đối diện với rủi ro. Các nhà sản xuất smartphone khuyến khích người dùng giữ thiết bị ổn định trước mặt trong cự ly từ 10 đến 14 inch (25,4 – 35,6 cm) trong quá trình quét mống mắt.
Vậy làm thế nào để biết bản thân đang giữ thiết bị ở đúng cự ly hay chưa? Đừng căng thẳng, vì bộ phận lấy mẫu và xác nhận mống mắt sẽ kiêm luôn vai trò hiển thị các thông báo để bạn có thể dịch chuyển thiết bị đến vị trí tối ưu nhất.
4. Sự khác nhau giữa quét mống mắt và quét võng mạc
Quét võng mạc (Retinal Scanning) và quét mống mắt (Iris Scanning) đều là loại công nghệ bảo mật thông qua mắt người dùng, chúng giống nhau ở điểm cơ bản này nhưng khác nhau ở công nghệ được áp dụng, và mỗi phương pháp cũng đảm nhận quét các bộ phận hoàn toàn khác nhau của mắt: mống mắt là nơi xác định màu mắt, còn võng mạc là lớp mô nằm bên trong mắt giữ nhiệm vụ chuyển hóa ánh sáng thành những thông tin, những hình ảnh mà bạn nhìn thấy. Cả hai phương pháp đều có mức độ bảo mật cao và khả năng làm giả gần bằng 0% vì cấu trúc mắt của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, bảo mật mống mắt hay võng mạc đều có tốc độ nhận diện cực nhanh.
Tuy nhiên công nghệ quét mống mắt lại chiếm ưu thế bởi tính tiện lợi, bạn có thể thực hiện quét ở khoảng cách xa một cách nhanh chóng. Quét võng mạc thì phức tạp hơn nhiều, công nghệ quét phải nhìn vào bên trong mắt người dùng để có thể lấy được thông tin về võng mạc. Chẳng ai muốn dí sát mắt vào điện thoại mỗi khi mở khóa máy.
Vậy là bạn vừa xem xong bài giới thiệu công nghệ quét mống mắt trên các thiết bị smartphone ngày nay. Hãy theo dõi 24hStore.vn thường xuyên để cập nhật các tin tức thủ thuật và đánh giá tư vấn mới nhất về công nghệ nhé.